Một thời đã xa: THƯƠNG
NHỚ DAPHACO
Nhận
bằng tốt nghiệp xong, nó lên kế hoạch nộp đơn xin việc với mong muốn sớm trải
nghiệm việc đi làm và tự kiếm tiền.
Ngày đầu đi phỏng vấn…
Chiều nay, nó có hẹn phỏng vấn ở công ty sản xuất ổn áp và dây,
cáp điện – Công ty TNHH Sản xuất Thương Mại Đa Phát. Nó chưa hình dung công ty
này lớn hay nhỏ, như thế nào, nhưng với 1 đứa sinh viên mới ra trường như nó,
thời gian rảnh rỗi nằm nhà chờ việc, chỗ nào gọi cứ đi phỏng vấn… trước đã.
Nó và 2 người khác (nữ) được sắp xếp ngồi chờ phỏng vấn ở căn
tin công ty. Từng người một được gọi vào. Nó là người thứ ba – sau cùng. Nó
được dẫn vào một căn phòng nhỏ đằng sau phòng hành chính, một “xếp” ốm gầy cao
cao đang ngồi sau cái bàn trắng, và 1 anh cũng tre trẻ ngồi “dự giờ” ở bên cạnh
bàn sát góc phòng. Xếp cất giọng miền Trung (nó nghe mà mừng húm – người
chắc gốc gác đâu cũng hàng xóm quê mình thôi):
- Chào em,
mời em ngồi
- Dạ, cháu
chào chú ạ
Xếp cầm hồ sơ, chăm chú nhìn, sau vài câu hỏi thông thường như ở
đâu, mong muốn công việc như thế nào, đột ngột xếp đưa cho nó 1 cái mạch điện
tử với các linh kiện trên đó, hỏi như đánh đố nó:
- Em có
thể nhìn ra nguyên lý hoạt động của cái bo mạch này không?
Nó hơi run run, mồ hôi túa ra ướt cả bàn tay. Cầm cái bo lên nó
lấy hết sức bình tĩnh ngắm nghía, trong lòng như vang lên tiếng nói:
- Suy nghĩ
đi, không khó đâu, cố gắng lên H ơi…
- Dạ
Nó khẽ thở hắt ra, nhìn chăm chú mấy con tụ điện, IC chằng chịt
trên bo mạch:
- Em nói
thử xem
Ánh mắt của xếp nhìn nó, như động viên, khích lệ. Nó lấy hết
bình tĩnh để trả lời (lúc đó nó cũng đoán… mò thôi chớ không chắc mình đúng
hết):
- Dạ, phần
này có mấy cái tụ, cháu nghĩ chắc là phần nguồn vào (nó thấy cái tụ to to,
nguồn thì thường dùng mấy cái tụ to to chớ nhỉ)
- …
- Hai con
này là IC so sánh, cháu nghĩ nó so sánh điện áp, phần này có vẻ giống như mạch
khuếch đại tín hiệu (nó nhăn trán nghĩ đến mấy cái hình vẽ tam giác, có Vin,
Vout trong mấy quyển giáo trình Điện tử mà nó học ở trường).
Nó đặt trả cái bo lên bàn, thấy hơi hoảng, bình thường ở nhà, nó
cũng có từng nghịch mỏ hàn, linh kiện, kỳ luận văn tốt nghiệp vừa xong cũng có
“thực hành thực tế” đôi chút nhưng mày mò cũng phải mất cả đống thời gian, xếp
này… sao ác quá, tự dưng thảy cái mạch lạ hoắc trong vài phút kêu nó… giải mã,
nó sắp ngọng luôn rùi nè. Kỹ sư như nó dù gì cũng là lính mới ra trường, còn
khuya mới giỏi … như rứa, xếp nghĩ sao mà hỏi chi cắc cớ quá trời? Sao
xếp không cho dịch 1 đoạn tài liệu, hay test IQ, hay ra 1 bài tập về tính toán
điện tử cho nó… làm như mấy cái công ty mà nó mới đi phỏng vấn tuần trước, hễ
xong vòng 1 thì tiếp vòng 2, xong vòng 2 thì tiếp qua vòng 3… Bụng nó bảo dạ
nó: “Chắc kỳ này… tiêu tùng”.
Vậy mà nó… đậu, bất ngờ ngoài sức tưởng tượng của nó.
Nó trả lời được bao nhiêu đó thì… ngọng. Nó thất vọng liếc nhìn
xếp đang có vẻ đăm chiêu, xếp đưa mắt nhìn anh tre trẻ ở góc phòng như ngầm
hỏi, rồi gõ gõ nhịp nhịp mấy ngón tay xuống mặt bàn. Lòng nó bao âu lo, phấp
phỏng theo nhịp gõ mấy ngón tay của xếp. Sau chừng 1 hay 2 phút suy nghĩ, thì
xếp bảo:
- Uhm, thôi vậy…
- Dạ, cháu… (nó nghĩ chắc là nó knock out rồi đây)
- Ngày mai em có thể đi làm. Thử việc 1 tháng, lương 1 triệu 2,
em có đồng ý không?
Nó lọng cọng như con bé nhà quê lần đầu ra tỉnh, khi thấy xưng
hô giữa mình và xếp lớn cứ trớt quớt giữa em - anh và chú - cháu. Từ đầu đến
giờ, nó cứ 1 câu cháu, 2 câu cháu, còn xếp thì cứ 1 câu em, 2 câu cũng em. Phân
vân 1 chút, nó ngập ngừng trả lời, tuy có hơi ngượng nghịu đôi chút:
- Dạ, em... cám ơn… anh ạ (ôi, lúc đó chắc mặt nó ngố muốn chết
nhỉ)
- Anh này là anh Huy, trưởng phòng kỹ thuật. Ngày mai anh ấy sẽ
bố trí và sắp xếp công việc cho em.
Tim nó bật tung lên vì sung sướng. Nó cố gắng kiềm chế để cho
mình khỏi nhảy cẩng lên. Nó đậu… rồi. A ha, và cái anh tre trẻ kia ra là xếp
“nhỏ” tương lai của nó, trên xếp nhỏ là xếp lớn. Ác chiến chưa, xếp nhỏ nhìn
cũng nghiêm nghiêm… dữ, từ đầu buổi phỏng vấn đến giờ “lão ấy” cứ lẳng lặng
quan sát nó, lâu lâu khẽ cười ẩn ý. Nhưng không sao, nó đang vui, nên chuyện
ngày mai… thì để ngày mai rồi hẵng tính. Về nhà thôi, ăn mừng đã, nó đang sướng
như điên. Vì ngày mai, nó có việc làm rồi, công việc đường hoàng đầu tiên sau
khi tốt nghiệp nhé (chớ không phải mấy cái việc đi dạy kèm, đi viết báo… linh
tinh như hồi đi học).
Ngày đầu tiên đi làm.
Nó đến sớm hơn 7h30 một chút. Dắt chiếc xe Max đen qua cổng bảo
vệ, dựng xe vô nhà để xe xong, nó rụt rè ngồi lẫn trong một đám con gái ở ngay
phía sân trước. Đứa thì đùa giỡn nhau, đứa thì tranh thủ ăn sáng trong khi chờ
vô ca.
- Chị mới vô Phòng kỹ thuật làm à
- À… ờ, em làm ở bộ phận nào?
- Em làm ở dưới Tổ xoắn, em tên Thủy, bạn này tên Thúy
Reng… reng… reng. Chuông reo. Có 1 anh nào đó tiến đến cái cổng
xanh, xé lớp niêm phong, mở cửa. Mọi người đứng dậy, nhanh chóng đi vào, mình
nó… lơ ngơ ngồi lại. Lát sau, có một bạn ra dắt nó vô.
- Mình tên Uyên, bên bộ phận nhân sự. Anh Huy đang chờ H đấy
Xếp nhỏ dắt nó đi một vòng tham quan xưởng sản xuất. Nó phải cố
gắng nghe tiếng anh giới thiệu trong tiếng mấy dàn máy chạy ầm ầm.
- Đây là phân xưởng dây. Có các tổ kéo, tổ xoắn, tổ bọc, tổ đóng
gói… Anh Mến là Quản đốc phân xưởng dây. Hồ sơ máy móc sau này em phụ trách lưu
trữ. Các anh phòng kỹ thuật suốt ngày sửa máy dưới xưởng, em rảnh thì cứ xuống
dưới xưởng xem thực tế cho quen.
- Đây là phân xưởng ổn áp. Cũng có các tổ Fe, quấn biến thế, hàn
bo, đóng gói…Anh Thanh là Quản đốc phân xưởng ổn áp. Sau này em cũng phụ thêm
phần nghiên cứu, cải tiến, thiết kế bo… có gì thắc mắc cần cứ liên hệ anh Thanh
hỗ trợ thêm.
Công nhân dưới phân xưởng người nào chỗ đó, đang vào việc, thấy
nó đi qua, ai cũng cười cười, có người còn tinh nghịch trêu nó:
- Anh Huy bữa nay có thư ký rồi, sướng hi?
- Rảnh thì xuống đây chơi với anh, mấy anh ở đây vui tính lắm
- Mấy đứa không lo làm việc đi, ở đó mà… ghẹo người ta, coi
chừng đó nghen.
Anh Thanh móm trợn mắt… rồi nháy mắt, cười hí hí với anh
Huy. Còn nó thì … lí nhí chào, lơ ngơ… lính mới.
Anh Huy dắt nó vô một căn phòng nhỏ, cửa nhìn thẳng ra phân xưởng
ổn áp. Hai cạnh của phòng, nửa dưới thì làm bằng nhôm còn nửa trên làm bằng
kiếng, có thể nhìn xuyên xuống toàn bộ 2 phân xưởng – đó là Phòng Kỹ thuật.
Phòng Kỹ thuật giáp lưng với Kho, và giáp hông với phòng KCS.
- Đây là H, nhân viên mới của phòng mình. Còn đây là anh
Hùng biệt danh Hùng mập, anh Thanh mập, anh Tâm méo, anh Phi Long còn gọi là
Hắc Long, anh Hùng Ba khía,…Phòng mình toàn nam, chỉ có H là nữ thôi. Mấy anh
em làm quen với nhau đi.
Mau chóng, rồi các anh cũng tản ra nhanh như lúc vào. Phòng còn
trơ lại xếp nhỏ và nó.
- Mấy anh làm kỹ thuật, suốt ngày sửa máy, bảo trì máy dưới
xưởng, nên chẳng cần bàn riêng. Đây bàn này của anh, bàn này của em, còn hai
bàn này của mấy anh dùng chung. Còn bàn máy vi tính này chủ yếu em ngồi làm
việc, nhập số liệu, lâu lâu anh mới dùng. Còn đây là tủ hồ sơ. Hôm nay chắc em
lấy hồ sơ ra nghiên cứu và đọc tài liệu máy móc, làm quen trước đi nhé. Có gì
thắc mắc cứ hỏi anh, đừng ngại…
Xếp nhỏ dặn dò nó xong rồi cũng… lủi mất tiêu xuống xưởng. Còn
nó nhìn đống hồ sơ… ừ, thì đọc thôi, coi là cái chi chi.
Một hồi, thì xếp nhỏ đi về cùng một anh ốm ốm, hơi đen đen. Ảnh
cứ dòm nó, cười cười.
- Em là nhân viên mới của Huy đấy à?
Anh Huy thấy nó… lại gần ngọng thì đỡ lời:
- Đây là anh Tuyến – Phó Giám Đốc của công ty mình, ảnh trông
vậy chớ không dữ đâu.
Ngày đầu làm việc như thế đó, nó được giới thiệu thêm anh Tuấn
Anh, bạn Nhung bên phòng KCS, Chị An – bên bộ phận Kho, Chị Hạnh – thủ quỹ, Anh
Thiện, chị Hiếu – kế toán. Chưa kể, mấy anh chị, mấy bạn công nhân dưới 2 phân
xưởng, nghe tin Phòng Kỹ thuật có lính mới, mà lính nữ nữa, cũng vô tình hay
giả vờ cố ý đi ngang qua phòng kỹ thuật (dù chỉ liếc bên ngoài cửa kiếng), để
dòm mặt nó coi … lính mới trắng hay đen. Bị soi nhiều tất nhiên nó cũng hơi
nhột 1 tí, nhưng dù sao, ngày đầu với nó, ấn tượng về công ty Đa Phát khá vui
vẻ và thân thiện.
Cô bé Lọ Lem của Phòng Kỹ Thuật.
Anh Huy trưởng phòng thì mặt lúc nào cũng nghiêm nghiêm, bình
thường không sao nhưng khi mặt anh í có vẻ hơi nhăn nhăn là các anh em trong
phòng lẫn nó đều rất… sợ, ai cũng cố không đùa giỡn, nói năng nhỏ nhẹ và không
trêu chọc lẫn nhau. Nhưng khi anh ấy vui thì mọi người cũng thở phào… nhẹ nhõm,
bớt áp lực và bớt căng thẳng hơn. Vì anh ấy cũng nhỏ con, mảnh mai nên bị mọi
người đặt cho 1 biệt danh là anh Ròm.
Anh em trong phòng mỗi người một tính, chẳng ai giống ai. Anh
Thanh mập thì hiền lành, tốt bụng. Anh Hùng mập thì hay đỏ mặt, bối rối như con
gái. Sau anh Huy thì hai sư huynh này chính là người mà nó phải “bám” theo để
học hỏi kinh nghiệm và nhờ chỉ bảo thêm trong công việc. Anh Tâm méo thì hay
càm ràm và giận lẫy. Còn anh Phi Long thì có thể do “đen” nên có biệt danh là
Hắc Long, hay ngâm nga hát, và hát khá hay. Anh Hùng Ba khía thì lù đù chớ vác cái
lu cũng chạy, mỗi lần mà kêu ảnh viết cái gì đó thì ôi thôi… như một cực hình,
ảnh nhăn nhó thấy mà khổ. Anh Tâm méo và anh Hùng Ba khía suốt ngày ở dưới khu
vực cơ khí, nào tiện nào cắt, chỉ thường có mặt trong phòng lúc sáng sớm
và chiều muộn sắp tan ca. Về sau, Phòng còn có thêm Anh Vinh, và Đặng
Phát chuyển từ phân xưởng ổn áp lên, Đặng Phát thì lúc nào cũng “choe chóe”
người đi sau cái miệng đi trước, lúc nào cũng vui vẻ, hồn nhiên, còn anh Vinh
thì hơi đạo mạo và khá xa cách. Và người sau cùng gia nhập Phòng Kỹ thuật
trong thời gian nó còn làm ở Đa Phát là anh Năng - bổ sung cho bộ phận Cơ khí,
tính tình khá hiền hòa dễ thương. Các anh mang tiếng là nhân viên của phòng kỹ
thuật chớ thời gian ở dưới xưởng nhiều hơn ở trên phòng, Phòng Kỹ thuật
tuy bé nhưng lại trở nên khá rộng so với 1 mình nó giữa 4 bức tường và mấy cái
bàn làm việc.
Năm đầu tiên nó vào làm ở công ty Đa Phát khoảng năm 2002 thì
phải. Lúc đó ổn áp vẫn còn thịnh và đang phát triển. Nó được giao nghiên cứu,
cải tiến thêm phần bo mạch của máy ổn áp. Muốn cải tiến tất nhiên phải hiểu đối
thủ cạnh tranh, phải hiểu điểm yếu của mình, và biết điểm mạnh của họ. Nó bắt
đầu “mổ” một loạt máy ổn áp của LIOA, Sutudo, Hanshin… rồi sau đó lại hì hụi
thí nghiệm, tìm cách hoàn thiện thêm bo mạch ổn áp Lion. Nó mày mò nhiều, nhưng
trong các serial bo mạch, nó chỉ cảm thấy mình có chút ít thành công với mạch
Lion 3 – Reset, và để đánh dấu kỷ niệm này, nó được anh Tuyến “tặng” cho 1 cái
ổn áp dùng chính mạch Lion 3 – Reset về làm kỷ niệm, đến bây giờ cái ổn áp ấy
vẫn còn. Năm đó hình như là cận Tết năm 2004 thì phải.
Cũng có lần nó được anh Huy giao cho nó cải tiến cái mạch dò
đứt dây ở khâu xoắn, phân xưởng dây. Nhờ cái mạch này, nó được công
ty thưởng “sáng kiến” – một phần thưởng tuy nhỏ nhưng mà nó rất vui.
Nhưng thất bại thì cũng không thể không kể. Nó cũng nếm mùi thất
bại khi thử tới thử lui mãi cái dự án mạch điều khiển nhiệt độ ở khâu ủ Fe,
nhưng không thành công, sau này rồi cũng… chìm xuồng luôn.
Cũng có lần nó đang hì hụi thí nghiệm một mình trong phòng, vừa
cắm điện vào thì “phựt’, sau một tiếng nổ là khói xịt đầy phòng, và điện tắt
cái bụp. Nó hết hồn xanh cả mắt. Sau phải nhờ anh Huy qua phòng Hành chính bật
lại cái công tắc của Aptomat phòng nó, mới có điện trở lại. Hà hà… sau vụ này,
nó biết cái Aptomat phòng nó ở đâu rồi, ấy nhỉ…
Lâu lâu thì cũng có máy mới chuyển về cho các anh Phòng Kỹ thuật
mổ xẻ và nâng cấp. Nó lại được giao nhiệm vụ xuống vẽ lại sơ đồ mạch và đưa vào
hồ sơ lưu. Chèn ơi, một đứa con gái cóc ké, mà lủi vô đống máy móc, mồ hôi mồ
kê nhễ nhại, mặt mủi tèm lem có khi dính đầy dầu nhớt, nó lúc ấy thiệt giống Lọ
Lem – chính là nó, nó trở thành cô bé Lọ Lem được cưng chiều của phòng Kỹ
thuật, như thế đó. Chính vì được cưng chiều, nên tuần nào mấy anh đi nhậu cũng
rủ nó đi chung. Nó bắt đầu biết nhậu, biết uống beer kha khá, và biết ăn món cá
diêu hồng chấm mù tạt – cái món mà trước đó chưa bao giờ nó ăn, lần đầu tiên ăn
vào nước mắt nước mũi chảy giàn dụa. Hức hức… cái món chi mà khó ăn ri trời…
Cái lần đó, đâu phải mình nó khóc. Cả anh Ròm phòng nó cũng khóc chung chớ đâu.
Ăn uống rồi, lại rủ nhau đi ca. Ha ha… xung lắm, có mỗi 2 cái micro mà
giành nhau chí chóe, rủ thêm hội anh Thiện, Uyên, Nhung, với cả anh Hậu, anh
Cường,… karaoke, nhớ không, vui hết biết.
Những kỷ niệm …
Mỗi khi nhớ về công ty Đa Phát, cũng có nhiều sự kiện mà khắc
sâu trong trí nhớ của nó – đến bây giờ chưa phai nhạt.
Mỗi năm, thường công ty sẽ tổ chức một chuyến du lịch cho toàn
bộ CB CNV tham gia. Lần đầu tiên nó được tham dự là chuyến đi Nha Trang. Sau
nữa là đi Mũi Né - Phan Thiết. Lần sau cùng thì là đi Ninh Chữ - Phan Rang.
Chuyến đi nào cũng mang lại cho nó những trải nghiệm thú vị. Trong đó, nó nhớ
nhất là lần đi Mũi Né- Phan Thiết. Lần đó, cả lũ cười bò lăn bò càng khi Phan
Tấn Định mang giày cao gót, mặc váy… lên thi “người đẹp hoàn vũ”. Lúc ấy ngoài
bộ ba Uyên – Nhung – Hà, còn có thêm Thái Chân và Bảo Trân nữa. Cả lũ xúm vô…
cổ vũ quân mình… và cười, cười đến chảy cả nước mắt nước mũi.
Nó cũng nhớ về những lần tổ chức phong trào ở công ty. Đá banh
mà 1 nam 1 nữ cột chân nhau, rồi lết theo trái banh mà đá, cấm té. Nó nhớ
Liên, Thắm, Thủy, Thúy, Dung, Mạnh Hùng, Phượng Minh, Ê Ly… một dàn các anh trẻ
trung, các chị xinh đẹp và chơi rất xung. Nó nhớ chú Tân hò hét khản cổ, thổi
còi muốn hết hơi cổ vũ mấy chị phụ nữ bịt mắt thổi cơm và luộc trứng bằng
bã mía, các anh vừa cạp mía vừa nhai muốn trẹo cả hàm…Rồi thi nhảy bao bố, thi
đạp xe đạp chậm nhất mà không ngã, thi đổ nước vô chai… Có ai còn nhớ hay
không? Rồi thi đánh cầu lông, xung phong Uyên, Thái Chân, Hương, Tươi, Bảo
Trân, Liên, cả cô Hạnh, chị Hạnh, chị Vinh… cũng chẳng ngại mình già cả, cũng
chơi… OK hết mình luôn.
Chuyện vui cũng có mà chuyện buồn cũng canh cánh. Nó nhớ đến
những chuyện của em Yến dưới tổ đóng gói – PX Ổn áp. Em còn trẻ quá, lời ru
càng buồn, khi tai nạn bất ngờ ập đến, hai chú chim non mới thành tổ ấm phút
chốc chia lìa mỗi người một nẻo. Sau chuyện buồn thì Yến về bắc, rồi 1 thời
gian sau, chị em mình bặt tin từ đó. Nó càng không quên cảm giác cả công ty ai
cũng bàng hoàng khi mới sáng sớm, còn chào hỏi nhau, còn nghe chị Hạnh kể về
“bé Tô sáng nay lần đầu đến lớp”, thế mà đột ngột… sau cơn đau đầu, chị chìm
vào hôm mê, rồi giã biệt. Ai cũng khóc, tột cùng tiếc thương đau đớn. Người ta
nói, khi khó khăn hoạn nạn, mới hiểu được lòng nhau. Nó đã sống những ngày đầy
ý nghĩa như thế, đầy tình người sẻ chia và kề vai cùng nhau chia đắng ngọt bùi
ở công ty Đa Phát như thế, trải qua những cảm giác rất thật mà suốt đời không
bao giờ nó quên được. Nó trưởng thành và chín chắn hơn chính từ những trải
nghiệm đầy tình người, khi chứng kiến những anh chị công nhân, dù cuộc sống còn
nhiều khó khăn, nhưng họ vẫn luôn yêu đời, cất cao tiếng hát, và thấu hiểu đạo
lý “khi cho đi không tính toán, thì cái ta nhận sẽ được nhiều hơn”. Mỗi khi có
người nào va vấp trong cuộc sống, gặp khó khăn trong cuộc sống, cả tổ, cả phân
xưởng, cả công ty đều mỗi người một tay góp sức góp lòng, mỗi người một câu
thăm hỏi gửi gắm. Ngày sinh nhật, chỉ một món quà và một lời chúc rất nhỏ, thế
mà… rạng rỡ cả nụ cười trên môi.
Nó nhớ những bữa ngày đi làm, tối đi học, nhớ căn nhà trọ nho
nhỏ ở Quận 12 nép mình trong xóm nhỏ. Những ngày thứ 7, Chủ Nhật thỉnh
thoảng qua nhà chị An mượn nồi niêu về tập tành nấu nướng, và nghe chị tâm sự
chỉ bảo như một người chị trước đứa em khờ dại, ngây thơ.
Những người mà nó nhớ, không nhiều thì ít, bác Long mập, bác
Minh già, anh Lộc, anh Hậu, anh Hào, anh Quang, chị Huệ, chị Thuận, anh Phúc,
chị Thúy, anh Ninh, anh Hữu, anh Dũng, anh Trường,… có người đã nghỉ làm, có
người đã bặt tin, có người đã thành thiên cổ, và có người bây giờ vẫn còn gắn
bó với công ty… Nhưng trong lòng nó, khi gợi nhớ về Đa Phát, dường như vẫn còn
đâu đây những bóng dáng thân quen.
Hai người xếp “vừa vừa” và xếp “nhỏ” mà nó “mến thương” lưu luyến
ở công ty Đa Phát thì chắc không cần kể mọi người cũng có thể dễ dàng đoán ra:
xếp “vừa vừa” là anh Nguyễn Trung Tuyến – người gì mà ruột để ngoài da, miệng
thì la đó chớ đúng thật hiền khô, làm gì cũng làm hết mình, cũng lo hết sức,
chỉ mỗi cái tội… hút thuốc và uống cà phê hơi nhiều (hình như dạo sau này đã bỏ
được tật hút thuốc). Còn xếp “nhỏ” thì bây giờ chắc đã không nhỏ rồi, đó là anh
Huy. Từ ngày nó đi, cái biệt anh anh Ròm mà nó thường gọi anh không biết mọi
người còn thường xuyên gọi nữa không? Anh ấy lạnh lạnh vậy chớ chẳng khó
tính lắm đâu. Và ngày xưa, nó biết mình được ưu ái hơn rất nhiều trong đám nhân
viên của anh, chắc do nó hay mè nheo đỏng đảnh… hay tại nó là con gái kỹ thuật
“độc đinh”, với nó anh có vẻ ít la mắng hơn, ít nhăn mặt hơn so với các anh
trong phòng. Và nhiều lúc nó vẫn cảm giác rằng, anh Ròm đối với nó như là
một người anh rất dễ mến hơn là một anh xếp khó tính. Nó cũng muốn nhân lần lục
lọi hồi ức này, để nhắc nhở anh Ròm về kỷ niệm… chiếc áo rách. Chỉ là nghịch
quá tay, nó lỡ xé rách áo anh toạc một đường (mà sao nó kéo rất nhẹ, mà áo anh
í dễ rách thế nhỉ!?). Xin lỗi anh Ròm nha, cho nó một lần nữa gọi anh là anh
Ròm – anh Ròm của nó và của Phòng Kỹ Thuật tình thương mến thương.
Cứ coi như là cái nợ - cái duyên buộc vào nó, từ ngày đầu tiên…
phỏng vấn “hú hồn” ở Đa Phát, mỗi lần nhớ đến Đa Phát, nó lại nhớ đến cái người
buộc cho nó dính vào mối lương duyên này - chính là “xếp” ốm gầy cao cao –
người mà sáng nay chị Sông Mây đã nói “Cái ông ốm ốm cao cao là Người mà ai
cũng biết là ai đấy”. Ha ha… ngôn ngữ của chị Sông Mây này có vẻ nhiễm Harry
Potter nặng quá. Dạ xin thưa, không cần nói ra, thì chắc ai cũng đoán được,
“xếp” ốm gầy cao cao chính là anh Nguyễn Văn Khanh – ông xếp được mệnh
danh là “Đại Bàng” rất được lòng của cư dân Đa Phát. Ít ra trong cuộc đời của
nó trải qua, thì vị trí của xếp Khanh trong lòng nó vẫn là một ông xếp “lớn”
giản dị và hòa đồng nhất, không kênh kiệu, biết cảm thông, biết chia sẻ, và
biết lắng nghe…